Sự việc bên lề cuộc thi Danh_sách_sự_việc_xoay_quanh_Đường_lên_đỉnh_Olympia

Cựu thí sinh Olympia năm thứ 5 bị phạt tù vì tuyên truyền phản động

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 5, Nguyễn Viết Dũng (biệt danh: Dũng "phỉ hổ", sinh năm 1986), bị đưa ra tòa xử sơ thẩm vào ngày 12 tháng 4 năm 2018 và bị phạt 7 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)[56] do thời điểm phạm tội trước ngày 1 tháng 1 năm 2018. Phiên phúc thẩm vào tháng 8 sau đó, tòa giảm án từ một năm tù giam xuống còn 6 năm tù giam.[57][58] Trước đó, Dũng từng bị xử phạt 12 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng" vào năm 2015 sau một hoạt động biểu tình tại Hà Nội.[59]

Thí sinh Olympia tự nhận quen người trong ban ra đề

Khoảng tháng 7 - tháng 8 năm 2021, một người dùng Facebook có tên viết tắt là T.T.M. đã đăng tải ảnh chụp màn hình tin nhắn của Nguyễn Việt Thái, thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, được cho là quen biết người trong ban ra đề của chương trình. Các tin nhắn có viết: "Vẫn là quy trình của mọi năm, trong 4-5 năm gần đây gì đó. Quý 1 khốc liệt. Quý 2 nhạt đách, có người giỏi nhưng lẻ tẻ. Quý 3 ác liệt. Quý 4 bất ngờ. Nguyễn Việt Thái có leak từ ban ra đề Olympia. Đề đợt này có vẻ dễ hơn các đợt khác"; ngoài ra còn có những tin nhắn được cho là có thái độ coi thường khán giả của Thái. Sau đó, Thái đã đăng trên trang cá nhân rằng những lời nói này mang tính khoe khoang và bịa đặt, đồng thời khẳng định Thái không quen biết ai trong ban ra đề của Olympia và xin lỗi về việc này. Trước khi tham gia chương trình, các thí sinh phải ký một bản cam kết rằng không được và không nhận sự can thiệp từ ban tổ chức chương trình.[60]

Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị gọi là "gà chọi"

Một người dùng Facebook với hơn 11.000 người theo dõi có tên viết tắt T.Q.Đ. đã đăng tải bài viết với nội dung châm biếm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Trong bài viết, T.Q.Đ. cho rằng đây là "cuộc thi "đường lên đỉnh Australia", các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng để tranh giành suất học bổng vài chục nghìn USD và cái danh hão là "nhà vô địch". Sau khi lên đỉnh thì họ Tây du và thực tế đến nay cũng chẳng thấy ai đạt được đỉnh cao gì trong khoa học. Bởi các chiến binh này thông minh, trí nhớ tốt chứ chưa phải là tài năng xuất chúng, họ thành công trong một cuộc thi có tính chất học thuộc lòng...". Bài viết đã thu hút vô số ý kiến, bình luận, và những thí sinh từng tham gia chương trình đã phản bác với nhiều lập luận. Trong số đó có thể kể đến Trần Thế Trung - nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, Nguyễn Thiện Hải An - á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 và Hà Việt Hoàng - á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17.[61][62]

Hà Việt Hoàng khẳng định, tất cả những quan điểm của T.Q.Đ. đưa ra về chương trình là hoàn toàn vô căn cứ và quá nặng và cảm tính, đồng thời trích dẫn và phản bác lại những quan điểm sai sự thật của T.Q.Đ. Nguyễn Thiện Hải An cũng lên tiếng và cho rằng, "Anh T.Q.Đ. không đủ hiểu biết về Đường lên đỉnh Olympia, vì vậy xin đừng phát biểu những suy diễn phiến diện và võ đoán của mình về thí sinh của cuộc thi này". Cũng theo anh, T.Q.Đ. đã có những diễn ngôn khinh thường người trẻ. "[...] Đưa người sang Australia để đào tạo thành nhà khoa học không phải mục đích lớn nhất của chương trình, và sẽ thật là ngớ ngẩn và ngây thơ nếu như cho rằng một năm nước Việt Nam chỉ có một người tài được sang Australia để phục vụ con đường này. Mỗi thí sinh Olympia là một con người, và là con người thì có quyền được tự quyết định cuộc đời của mình, có quyền được làm nhà khoa học, kĩ sư, doanh nhân, nhà giáo, nghệ sĩ, hay hàng tỉ nghề nghiệp khác mà anh T.Q.Đ. không có quyền đòi hỏi", anh nói thêm.[61] Trao đổi với báo Dân trí, Nguyễn Việt Thái - cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 - bày tỏ sự không đồng tình với cách nhìn nhận vấn đề trong bài viết của T.Q.Đ. Việt Thái cũng chia sẻ thêm, ý kiến trong bài viết của anh Đ. phần nào nói lên tính chất cạnh tranh của các cuộc thi về kiến thức, nhưng phần nhiều đang "lấy sự tiêu cực để quy chụp toàn bộ câu chuyện". Đồng thời, đứng ở góc độ của một người trẻ và là "người trong cuộc", Thái cho rằng việc lên tiếng vì bản thân và những người bạn tham gia cuộc thi là cần thiết để bảo vệ giá trị tích cực mà chương trình đã và đang truyền tải tới khán giả.[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Danh_sách_sự_việc_xoay_quanh_Đường_lên_đỉnh_Olympia http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/288981/nghi-van... http://news.zing.vn/Ban-khoan-ve-ket-qua-Duong-len... http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/443089/Tranh-cai-x... http://tuoitre.vn/Giao-duc/498738/Nghi-an-%E2%80%9... http://dantri.com.vn/c135/s135-611787/sai-de-olymp... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2012/06/ne... http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/191185/olympia-14... http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/191061/ban-co-van... http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/kha... http://vtv.vn/goc-khan-gia/e-kip-duong-len-dinh-ol...